Thành phố Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang là nơi hội tụ nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của miệt vườn sông nước miền Tây. Nơi đây có rất nhiều món ăn vặt, món vỉa hè, quán ăn với giá bình dân, hương vị đặc trưng, luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Lẩu mắm
Đây là loại lẩu được xem như đặc sản của vùng sông nước. Người dân miền Tây có bí quyết riêng giúp lẩu mắm không quá mặn, nồi lẩu lại ngả màu nâu đặc trưng của mắm, nước sanh sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả vừa thơm vừa bắt mắt. Mắm sau khi nấu, lọc bỏ xương lấy nước, cho tỏi băm, sả, ớt vào nồi đảo lên cho vàng đều, cho thịt ba rọi vào xào thơm, tiếp tục đổ nước mắm vào, nấu sôi lên, nêm một ít đường, bột ngọt. Để mùi mắm dịu, ngọt tự nhiên, nên lấy một nắm sả đập dập bỏ vào nấu. Để tất cả nguyên liệu vừa làm xong vào một cái lẩu, để lửa liu riu. Màu nâu và hương thơm đặc trưng từ mắm cá linh, cá sặc; nước sanh sánh nhờ tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả; vị ngọt từ thịt, tôm, mực và các loại cá tươi như cá lóc cùng đĩa rau miệt vườn xanh mướt đã tạo nên một món lẩu mắm dân dã đậm chất trong ẩm thực đất phương Nam.
Đến Long Xuyên, bạn nhớ ghé quán Lẩu Mắm Cây Dừa - 95 Trần Hưng Đạo, TP Long Xuyên (đối diện Metro Long Xuyên) để thưởng thức món ăn này. Quán chuyên bán lẩu mắm nên thực đơn cũng chỉ có mỗi một món duy nhất là lẩu mắm, thực khách được lựa chọn thành phần chính của lẩu gồm những loại như lẩu mắm lươn, cá bớp, tôm, mực, cá kèo... Mỗi lẩu có giá chỉ 150.000-200.000 đồng.
Từ trước đến nay, người ta chỉ biết thịt cua đồng có thể nấu canh rau, bún riêu... nhưng có lẽ cái tên món lẩu cháo cua đồng thoáng nghe qua cũng khá lạ với những ai chưa có dịp thưởng thức ẩm thực tại Long Xuyên. Với cách thức dùng thịt cua đồng nấu lẩu kết hợp nhúng với nhiều loại rau xanh, món lẩu này có một nét khác biệt riêng, tuy lạ lẫm nhưng rất gần gũi và khá thú vị.
Để có được một nồi lẩu cháo thơm ngon, người đầu bếp chọn cua đồng tươi rồi giã ra và nấu lấy thịt. Gạo nấu cháo phải là loại gạo thơm ngon. Cháo nấu lẩu cua đồng phải thật loãng, ngập nước dùng để còn nhúng rau. Khi cháo chín mới đưa vào nồi lẩu cua đồng có nấm rơm, hẹ, hành tím, tiêu, ngò, hành lá và nêm mắm muối cho vừa ăn. Món lẩu sẽ thêm phần hấp dẫn khi được kết hợp với nhiều loại rau đồng quê như rau má, rau ngót, mồng tơi và mướp hương... Một chút gừng xắt sợi kèm theo, cùng nước chấm mắm ngon cũng sẽ làm bạn ấm bụng hơn với món lẩu này.
Chính cái hương vị đặc sắc, mùi thơm ngon ngọt của cua, cùng với những loại rau dân giã nơi sông nước miền Tây đã làm nên món lẩu cháo cua đồng quyến luyến nhiều thực khách mỗi khi có dịp thưởng thức. Nếu có dịp ghé Long Xuyên, bạn hãy đến căn tin khu cư xá Sao Mai, phường Mỹ Long để thưởng thức qua món ăn ngon này. Một cái lẩu có giá chỉ 60.000-70.000đồng.
Bánh xèo
Đây là loại bánh luôn có mặt trong thực đơn ẩm thực của người dân miền Tây Nam bộ. Món ăn được làm từ các thành phần từ bột, tôm, thịt, giá đỗ... Nguyên liệu quan trọng nhất để làm bánh xèo chính là bột gạo được pha với các thành phần khác như nước cốt dừa, muối, bột nghệ... Để làm ra một chiếc bánh ngon, màu sắc đẹp, người ta phải canh lửa vừa đủ và trở bánh thật đều tay. Khi bánh vừa chín tới, mới bắt đầu để nhân vào và… canh lửa tiếp. Lấy bánh ra khỏi chảo cũng là một nghệ thuật, vì không khéo có thể làm vỡ bánh, trông sẽ không ngon.
Bánh phải ăn khi còn nóng hổi. Nước chấm đóng vai trò rất quan trọng khi thưởng thức món bánh này. Chén nước chấm phải pha làm sao để vừa có vị chua ngọt của nước mắm ngon, pha với chanh, ớt, tỏi, đường... cùng ít đồ chua hấp dẫn. Món ăn không thể thiếu rau xà lách, rau thơm, tía tô, hung quế, diếp cá ăn kèm. Bạn có thể ghé quán bánh xèo gần trường Lý Thường Kiệt, trên đường Lý Thường Kiệt (ngay góc chợ Mỹ Bình) để thưởng thức. Mỗi cái bánh có giá chỉ 12.000 đồng.
Khi ngang qua Long Xuyên, bạn nên thử một lần dùng món bún cá. Món bún cá nơi đây có ít màu của nghệ để trông đẹp mắt và thơm ngon hơn. Món ăn này chỉ hấp dẫn khi vị của nước lèo trong suốt, nhưng phải đậm đà. Để có tô bún cá ngon, phải chọn cá lóc tự nhiên, nước lèo được nấu bằng nước luộc cá; còn thịt cá được tách ra từng miếng, lọc hết xương, xào sơ qua với nghệ để khử mùi tanh.
Bên cạnh tô bún, bạn có thể gọi thêm một đầu cá lóc nóng hổi và chén nước mắm me (có thể thêm chút ớt cay) giúp cho món bún thêm phần hấp dẫn. Tô bún rất bắt mắt với màu vàng của miếng cá lóc đồng và màu xanh của một vài loại rau ăn kèm như rau muống, rau nhút. Long Xuyên có rất nhiều nơi bán bún cá, tập trung nhất là dọc theo đường Lê Lợi (phường Mỹ Bình). Một tô bún cá giá chỉ khoảng 18.000-20.000 đồng.
Nếu như cơm tấm Sài Gòn với những lát thịt to được nướng vàng đều thì cơm tấm tại Long Xuyên lại mang nét đặc trưng rất riêng. Hạt tấm rất nhuyễn, thịt nướng được thái lát mỏng và cắt thành sợi mỏng. Ngoài ra, cũng giống như sườn, đĩa cơm tấm còn có thêm bì và trứng kho được cắt mỏng, vừa miệng để tạo cảm giác không ngấy cho người thưởng thức. Ăn kèm với cơm là nước mắm chua ngọt, pha hơi sánh. Những thành phần này quyện vào nhau đã tạo cho cơm tấm tại Long Xuyên một một hương vị rất riêng và không đụng hàng với bất cứ nơi đâu.
Nếu có dịp ghé thăm thành phố Long Xuyên, bạn có thể ghé ăn ở một vài quán cơm tấm trên đường Bùi Thị Xuân, đối diện với báo An Giang... Mỗi đĩa cơm tấm có giá khoảng 17.000 đồng.
Long Xuyên còn rất nhiều món ngon, đặc sắc, nằm tận các ngóc ngách của thành phố, đủ để làm vấn vương biết bao thực khách khi có dịp ghé thăm. Bạn hãy thử một lần đến với miệt sông nước miền Tây để thưởng thức những món ăn dân dã và đặc trưng nơi đây nhé.
Theo Ngôi Sao